Trường Khiếm Thị Bừng Sáng (Trường mù)
Trường Khiếm Thị Bừng Sáng là một cơ sở từ thiện dân lập thuộc Quận 10, Sài Gòn. ... Ðó là một căn phố nhỏ có gác do thầy Đào Khánh Trường, một người khiếm thị dạy nhạc làm chủ. Cảm thông cho số phận các em cùng hoàn cảnh, thầy Trường đã mở lòng đón nhận các em về dưới mái nhà của thầy để thầy nuôi dưởng và dạy bảo. Đa sốcác em đang học ở trung học, các em đan giỏ thêm trong lúc rãnh rỗi để kiếm tiền thêm và thỉnh thoảng các em cũng có đi hoà tấu nhạc để phụ với thầy. Cuộc sống cũng vất vả lắm, đôi khi cũng nhờ có những người có lòng, giúp đỡ thầy trang trải chi phí trong nhà. Hiện Vovicare đang bảo trợ nhu yếu phẩm hàng tháng cho trường.

Dưới đây là lá thư tâm tình của Thầy Đào Khánh Trường đã gởi cho Nhóm Vovicare vào năm 2002
Kính gởi Hội Vovicare Kính thưa: Quí vị ân nhân Quí vị hảo tâm Quí bằng hữu xa gần
Tôi tên là Đào Khánh Trường, Giáo viên âm nhạc. Hiện tôi có đang nuôi dạy 51 em khiếm thị từ khắp các vùng đất nước. Các em này đến với tôi từ nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều rất đáng thương, bởi các em từ trong khốn khó của cuộc sống mà lại biết vươn lên trong học tập. Thầy trò chúng tôi sống chung với nhau trong một căn nhà chật hẹp ở con hẻm 266/227 đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường 4, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Căn nhà có tên là CƠ SỞ NUÔi DẠY TRẺ KHIẾM THỊ BỪNG SÁNG. Căn nhà bé xíu với chiều ngang 3m và chiều dài 12m cùng với một cái gác chật chội nhưng chứa đựng biết bao gắn bó của thầy trò tôi. Dẫu có cùng cực đến đâu đi nữa, tôi vẫn thường dạy cho các em luôn có nghị lực, kiên nhẫn và can đảm vượt qua mọi khó khăn để kiếm lấy cái nghề mà tự nuôi sống bản thân. Tôi đã mua căn nhà này từ 1977 bằng chính đồng tiền chắt chiu từ việc dạy học, sửa đàn Piano, chơi nhạc cho các nhà hàng. Lúc đó, căn nhà chỉ có tầng trệt (chưa có gác gỗ). Tôi sống một mình với người em trai họ. Cuộc sống rất thoải mái vì tôi không phải vướng bận tiền bạc hay vợ con. Cuối năm ấy có đôi vợ chồng nọ từ miền Trung xa xôi dẫn theo hai đứa con; một trai và một gái đến gặp tôi và năn nỉ tôi nuôi dùm 2 đứa con (khiếm thị) cho ông bà ấy. Tôi hết sức bàng hoàng vì từ trước đến nay, tôi có bao giờ chăm sóc con nít đâu. Nhưng tôi cũng tìm hiểu xem sao thì được biết ông bà có đến 10 con và đang ở trong tình trạng đói kém, chỉ có khoai lan, khoai mì hay bo bo để sống tạm bợ mà thôi. Thấy 2 đứa trẻ gầy còm ốm yếu, đen đủi nhưng rất lễ phép và có khiếu âm nhạc. Xúc động trước những lời van xin tha thiết của ông bà ấy, tôi nhận lời tạm thời nuôi dạy 2 đứa bé đáng thương ấy. Em trai ấy tên là Nguyễn Tấn Huyến, sinh năm 1966 tại sông Vệ, Quảng Ngãi, đã được tôi dạy đàn Piano, violon, guitare, mandoline. Sau đó dạy chữ nổi (Braille) đến khi biết đọc biết viết, rồi theo học chung với người sáng mắt ở trường. Em Huyến đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm khoa nhạc và hiện đang phụ tôi nuôi dạy các em nhỏ. Đứa bé gái kia tên là Nguyễn Thị Thân, sinh năm 1968. Được tôi dạy cho đàn tranh, đàn bầu và học văn hóa, rồi cũng đi học chung với người sáng mắt. Hiện nay, Thân đang dạy Anh văn cho các em trong cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị Bừng Sáng. Sau đó, em Phan Thị Đức Hạnh từ Nha Trang xin vào rồi em Võ Thị Thu Vân từ Cần Giộc cũng xin gia nhập. Đứng trước tình cảnh này, tôi đã nhiều đêm mất ngủ. Và rồi vào ngày 15 tháng 8 năm 1985, tôi đã quyết định thành lập câu lạc bộ cho những người khiếm thị và lấy tên là BỪNG SÁNG với hy vọng rằng tương lai các em sẽ ngày càng đổi mới tươi sáng và tốt đẹp. Thầy trò phải bám nhau mà sống, làm việc và học tập. Có những lúc trong nhà hết gạo, phải đi mượn người này người kia……..……….. Xin Quí vị thương xót các em, giúp đở tôi để tôi có điều kiện nuôi dạy các em này trở thành người hữu dụng cho xã hội. Chúng tôi rất cần sự quan tâm của Quí vị Xin chân thành cảm ơn Quí vị. Sài gòn, ngày………………2002 Thay mặt các em Câu Lạc Bộ Bừng Sáng Đào Khánh Trường

Vì tài chánh của Vovicare có giới hạn và trong chiều hướng Vovicare nhắm tới là các ngôi trường tình thương ở những vùng xa xôi hẻo lánh do các tổ chức từ thiện dân lập mở ra để dạy miễn phí cho học sinh nghèo trong vùng. Các Ngôi trường Tình Thương xa xôi này thật sự gặp nhiều khó khăn về tài chánh để điều hành, vì vậy, bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, Vovicare xin tạm ngưng trợ cấp cho Trường Khiếm Thị Bùng Sáng tại Sài Gòn để tiếp nhận bảo trợ các cơ sở khác ở vùng quê sâu. Nhưng Hội giúp các em trường Khiếm Thị Bừng Sáng bằng hình tghức khác là Ủy Lạo Bồi Dưởng hàng tháng bằng cách cung cấp trứng gà cho các em hàng tháng. |